Nghị định 115/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 4/9/2018, có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Nghị định này thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013, có những nội dung đáng chú ý sau:
- Quy định mức phạt tiền tối đa áp dụng với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có thể lên tới 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức.
- Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, theo đó có các quy định về:
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm: Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm; Vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm; Vi phạm quy định về sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, chế biến thực phẩm; Vi phạm quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm; Vi phạm quy định về sử dụng dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm: Vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm và loại hình kinh doanh cụ thể; Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm chiếu xạ; Vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
Đặc biệt, Nghị định 115/2018/NĐ-CP còn có quy định về hành vi vi phạm quy định về tự công bố sản phẩm, một trong những nội dung được rất nhiều các cá nhân, cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm quan tâm sau khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 02 tháng 02 năm 2018. Theo đó những hành vi vi phạm sau đây có thể khiến cơ sở tự công bố bị phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng: không thực hiện thông báo, đăng tải, niêm yết bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật; không nộp 01 bản tự công bố sản phẩm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; không lưu giữ hồ sơ đã tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật; Tài liệu bằng tiếng nước ngoài trong hồ sơ tự công bố sản phẩm không được dịch sang tiếng Việt và không được công chứng theo quy định. Ở mức phạt cao hơn từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng áp dụng đối với các hành vi vi phạm quy định liên quan đến việc sử dụng phiếu kết quả kiểm nghiệm để
tự công bố sản phẩm: Sử dụng phiếu kết quả kiểm nghiệm đã hết hiệu lực; Phiếu kết quả kiểm nghiệm không đầy đủ chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; Phiếu kết quả kiểm nghiệm có ít nhất một trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng hoặc không phù hợp quy định của pháp luật; Phiếu kết quả kiểm nghiệm được cấp bởi phòng kiểm nghiệm không được chỉ định hoặc không được công nhận phù hợp ISO 17025; Phiếu kết quả kiểm nghiệm không phải là bản chính hoặc bản sao chứng thực.
Về phía cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm, Nghị định này cũng đã quy định rất cụ thể những hành vi vi phạm. Theo đó, hành vi đưa thông tin sai về năng lực kiểm nghiệm hoặc phạm vi được công nhận chỉ định kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của cơ sở kiểm nghiệm; Không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm không lưu trữ hồ sơ kiểm nghiệm, thử nghiệm theo quy định của pháp luật; Cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu không lưu trữ hồ sơ kiểm tra theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; Những khung phạt cao hơn áp dụng cho các hành vi vi phạm như: đánh tráo hoặc giả mạo mẫu thực phẩm dùng để kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; các hành vi sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung giấy chứng nhận kết quả phân tích phiếu kết quả kiểm nghiệm; Cố ý làm sai kết quả kiểm nghiệm, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu; Cung cấp kết quả kiểm nghiệm, kết quả kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm sai sự thật… Bên cạnh đó, cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm còn có thể đối mặt với các hình thức phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm 6-12 tháng cho những hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng.
Ngoài ra, Nghị định 115/2018/NĐ-CP còn quy định rất cụ thể những hành vi vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn; Vi phạm quy định về đăng ký bản công bố sản phẩm…
Vui lòng xem nội dung đầy đủ của Nghị đinh 115/2018/NĐ-CP tại đây.
Mr. Nguyễn Hoàng Tú
Trưởng Văn phòng đại diện Miền Trung CASE